Site Overlay

Chuyện Chelsea dưới thời Sarri: Vận may do chúa

Chelsea dưới thời huấn luyện viên Sarri đang có khởi đầu tốt tại Ngoại Hạng Anh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cần đến vận may

19/05/2012, sân Allianz Arena, phút 83, Mueller ghi bàn mở tỉ số trận chung kết Champions League. Chelsea lúc ấy đã kết thúc Premier League ở vị trí thứ 6 và bàn thắng của Mueller mang đến một điềm báo không lành rằng đội bóng của Abramovich có thể không được dự Champions League ở mùa kế tiếp. Thorgan quay sang nói đùa “Em gọi cho sir Alex Ferguson nhé?”. Eden không thích câu đùa ấy lắm. Eden đang không có tâm trạng nào để đùa giỡn cả. Anh hồi hộp và lo lắng thực sự.

Hai phút sau câu nói đùa kia của Thorgan, Drogba ghi bàn quân bình tỉ số. Eden nhảy bật ra khỏi ghế ăn mừng. Trong ký ức của anh, đó là bàn đánh đầu mạnh mẽ nhất, uy lực nhất. “Anh là fan của Chelsea mất rồi”, Kyllian, cậu em khác của Eden lại đùa. Lần này, sự đùa giỡn đó được chấp nhận. Nhưng sự hồi hộp thì vẫn còn nguyên.

Loạt luân lưu cuối cùng, người đứng trước chấm 11m là Drogba. Cầu thủ Bờ Biển Ngà bình tĩnh dứt điểm tung lưới Bayern. Các cầu thủ Chelsea lao ra sân ăn mừng. “Vâng, ý tôi đã quyết rồi. Tôi sẽ chơi cho nhà ĐKVĐ Champions League”, Eden nói trong sự vui mừng khôn tả.

Chelsea hay nhưng cũng rất cần vận may

Ít ai biết rằng, trước khi Chelsea đi đến trận chung kết, đã có một cuộc điện thoại từ Drogba gọi cho Eden Hazard. “Anh nghe là Chelsea đang đề nghị với chú và chú đang suy nghĩ. Nghe này, ký hợp đồng với Chelsea là quyết định sáng suốt nhất đời anh. Anh đã có 8 năm kỳ diệu ở đây. Tới đây chơi cùng bọn anh đi. Tin anh, chú sẽ vươn tới tầm của Messi và Ronaldo”. Đó là tất cả những gì Drogba đã nói với Eden Hazard trong lần đầu tiên gọi điện thoại. Khi Drogba tới Chelsea, Hazard mới chỉ là cậu nhóc 13 tuổi. Và với Hazard, người vẫn coi Drogba là một siêu tiền đạo thuộc hàng số 1 thế giới, những lời Drogba nói luôn là một bảo chứng vô cùng quan trọng.

Phải thừa nhận rằng, lời mời gọi của Drogba chỉ là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Hazard đến với Chelsea nhưng nó chính là nguyên nhân quan trọng nhất. Trước Drogba, Abramovich thậm chí đã khiến Hazard choáng ngợp khi mời anh tới lai rai trên du thuyền của mình. Để tới gặp Abramovich, Hazard đã hủy ngang cuộc hẹn đi xem phim ở LHP Cannes với bạn bè. Nhưng sức tác động từ Abramovich chưa đủ mạnh. Hazard lúc ấy chắc chắn sẽ rời Lille nhưng anh muốn chơi ở Champions League, sân khấu duy nhất có thể biến anh thành cầu thủ cùng chiếu với Messi hay Ronaldo. Mà lúc gặp Abramovich ấy Chelsea đang bị Man United bỏ lại đằng sau tới 20 điểm (tháng 3/2012). Nguy cơ không Champions League là quá rõ. Và Eden lại đang có những lựa chọn khác, ở những nơi có Champions League, cũng từng đưa ra thông tin Eden từng muốn đến Real Madrid.

Chính Drogba, với cú điện thoại (mà thực ra là gọi từ máy của Gervinho) cùng pha gỡ hòa trong trận chung kết, mới là kẻ thuyết phục được Eden Hazard. Còn Gervinho, trớ trêu thay, người đồng đội của Hazard ở Lille từ 2009-2011 lúc đó lại đang khoác áo Arsenal, đội bóng cũng muốn Eden Hazard lắm lắm.

2012/13, Eden Hazard đến với Chelsea, dưới tay HLV Di Matteo. Hồi tháng 3/2012, Di Matteo đã nói với trợ lý Eddie Newton “thứ bóng đá chúng ta đang chơi hôm nay chán phèo. CĐV muốn chúng ta chơi cống hiến hơn nữa. Thử xem chúng ta có những cầu thủ sáng tạo nào nào?”. “Juan Mata”, Newton đã trả lời và Di Matteo đã lắc đầu ngán ngẩm mà rằng “Thì đúng rồi. Nhưng chúng ta cần thêm 2-3 cầu thủ như thế nữa. Một mình Mata không đủ giải trí cho fans đâu”.

Lúc đó cũng là khi những báo cáo của Guy Hillion (sếp tuyển trạch viên của Chelsea ở Pháp) bay về London. Hillion đã xem Hazard đá gần 30 trận với niềm say mê tột cùng. “Nó có thể chơi cánh, chơi số 10 đều được. Nó có thể tạo cơ hội ghi bàn, và biết ghi bàn. Nó có cú tiếp bóng xuất sắc, tầm quan sát xuất sắc và kỹ thuật cá nhân xuất sắc. Nó sẽ trở thành số 1 nếu chúng ta đưa nó đi đúng đường. Hãy tin tôi, nó sẽ là ngôi sao lớn”, Hillion thuyết phục như thế và tất nhiên, Di Matteo cùng Abramovich cũng tin như thế. Niềm tin ấy của họ là chuẩn xác.

Sarri cần tìm kiến vận may riêng cho Chelsea

Hazard ra mắt Chelsea trôi chảy, với những kiến tạo ngay từ trận đầu tiên, đặc biệt là những pha đi bóng buộc hậu vệ đối phương phải phạm lỗi trong vòng cấm. Nhưng cái gọi là khả năng vươn tới tầm của Messi hay Ronaldo thì chưa bao giờ được bộc lộ ra một cách rõ rệt. Và cũng phải mất 3 mùa bóng, Hazard mới có thể vô địch Premier League lần đầu tiên. Tính đến bây giờ, Hazard đã chơi cho Chelsea đến mùa bóng thứ 7 và cũng mới chỉ có 2 chức vô địch Premier League mà thôi. Còn Champions League ư? Điều đó vẫn còn xa vời.

Thật bất công nếu ta đánh giá một con người chỉ dựa vào các số liệu. Hazard chưa bao giờ ghi cho Chelsea được 20 bàn thắng ở một mùa giải và con số đó cho thấy anh còn xa với tầm đẳng cấp của Messi và Ronaldo rất nhiều. Nhưng hãy nhìn vào Zidane ở Real để hiểu Hazard hơn. Hazard thuộc type cầu thủ kiến tạo hơn là săn bàn và ở Chelsea, anh cũng chơi ở một vai trò để kiến tạo chứ không phải được giao phó sẽ là một mũi uy hiếp từ phía sau như Messi hay Ronaldo ở Barca và Real. Tầm ảnh hưởng của Hazard ở Chelsea là rất lớn, không khác gì tầm ảnh hưởng của hai cầu thủ kia ở CLB của họ. Và đó cũng là lý do Real chưa bao giờ rời mắt khỏi Hazard, nhất là khi Ronaldo đã ra đi.

Vậy thì với một tài năng không thể phủ nhận như thế, điều còn thiếu của Eden Hazard là gì? Dường như là một chút động lực? Chúng ta đã chứng kiến anh vô địch Premier League 2014/15 thế nào, rồi sau đó chơi ra sao ở mùa kế tiếp. Phải chăng, Hazard là con người sinh ra để săn tìm động lực và khi có nó rồi, anh lại để mất nó một cách dễ dàng?

Hay là Hazard chưa được rơi vào một đội hình “cống hiến” đúng nghĩa, như Di Matteo đã nói? Ở Chelsea, mùa đầu tiên Hazard vô địch Premier League, bên cạnh anh là Oscar, Fabregas, những cầu thủ có thể coi là có tố chất chơi bóng kỹ thuật kiểu nghệ sỹ. Rồi mùa vô địch kế tiếp thì sao? Đó là lúc sức mạnh và sự xông xáo của Kante lên tiếng chứ không phải nghệ sỹ tính mang lại sự choáng ngợp cho khán giả. Và suốt thời kỳ Chelsea của mình cho tới nay, ở Champions League, PSG vẫn luôn là ám ảnh đối với Hazard. Ở PSG, những ngôi sao trình diễn luôn đông đảo hơn Chelsea.

Đó có thể là lý giải nhưng thực sự thuyết phục thì chưa hẳn. Cống hiến hay không, đẹp mắt hay không đúng là phụ thuộc vào nhân tố con người nhưng triết lý của đội bóng luôn là nền tảng lớn nhất. Abramovich thích bóng đá giải trí nhưng thực tế những HLV ông đưa về chưa một ai thực sự mặn mòi với thứ bóng đá giải trí cả. Kéo theo đó, những con người họ mua sau này cũng luôn bị “soi gương” với quá khứ xưa cũ, quá khứ mang hình bóng sức mạnh cơ bắp, tốc độ, tính chiến đấu và tư duy thực dụng kiểu Drogba, Makelele và thậm chí là Lampard. Và đặc biệt với Hazard, một cầu thủ trưởng thành từ cái nôi chơi bóng kỹ thuật, việc làm việc cùng những HLV mang nặng tính thực dụng như Mourinho đã không giúp anh “đi đúng con đường” như Guy Hillion đã nói ngày nào.

The Blues phải là chính mình trong mùa giải năm nay

Thật tiếc là ở Chelsea,  Hazard không có cơ hội được chơi cùng De Bruyne, Schurrle, Mata, Fabregas một cách lâu dài đủ để tạo thành một bộ khung sáng tạo. Nhiều lúc, có cảm giác anh lạc lõng giữa chính CLB mà anh rất yêu mến ấy, lạc lõng giữa chính chọn lựa quyết định sự nghiệp của mình năm 2012.

Hồi ấy, Arsenal và Real cũng muốn có Hazard, nhưng họ cho rằng cái giá 30 triệu bảng là quá đắt. Quả thực, với Real, để mua Hazard năm 2012 là không cần thiết nên cái giá 30 triệu bảng là đắt rõ ràng. Nhưng Arsenal thì sao nhỉ? Có lẽ, trong di sản Wenger để lại cho Emery, vụ Hazard là một sai lầm vĩ đại. Tất nhiên, ở thời điểm 2012 ấy, việc bỏ ra 30 triệu bảng cho một cầu thủ 21 tuổi là chưa từng có tiền lệ ở Arsenal nhưng không lẽ những theo dõi kiên trì của Wenger, những đánh giá tích cực của ông và đội ngũ tuyển trạch viên không đủ khiến Arsenal có thể dũng cảm quyết định? Thực sự, lối chơi của Hazard, cùng lịch sử trưởng thành trong nghề của anh cho thấy anh sẽ phù hợp hơn với một đội bóng như Arsenal. Ở đó, nếu anh được chơi cùng Oezil, Aubemayang, Lacazette hôm nay, chắc chắn anh sẽ giúp biến Pháo thủ trở lại là một thế lực cạnh tranh đáng gờm.

Cuộc sống là những chuỗi sự kiện mà nhiều khi, chỉ một quyết định thôi sẽ thay đổi các biến cố về sau rất nhiều. Với Hazard, chuỗi sự kiện kia không chỉ là kết quả từ một quyết định của riêng anh, mà còn là quyết định của những kẻ theo đuổi anh như Arsenal, Real. Và tên anh, Eden, có nghĩa là địa đàng, mỉa mai thay lại đi kèm cái họ Hazard, có nghĩa là rủi may, mạo hiểm. Chọn lựa Hazard có khi nào là chọn lựa mang tính rủi may, mạo hiểm nên các CLB kia không cố thêm một bước chân? Ngược lại, chọn lựa của chính anh phải chăng cũng đầy tính rủi may, như cái cách mà cú luân lưu của Drogba ở Allianz Arena đã góp phần để quyết định thay.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hồi đó anh nghe theo lời đùa của Thorgan là gọi điện cho Sir Alex Ferguson? Hazard ở Man United, điều đó chắc chắn sẽ là một thú vị cực lớn, đem lại những biến số cực lớn cho cục diện Premier League sau này./

Rate this post